Ốp tường, lát nền là một trong những công tác quan trọng nhất trong việc hoàn thiện nội thất các công trình xây dựng. Sản phẩm cuối cùng cần có chất lượng cao nhờ được thi công đúng quy trình kỹ thuật, cộng với tay nghề thi công khéo léo, tỷ mỷ của người thợ. Do đó, người giám sát thi công hoặc chủ đầu tư cần tìm hiểu quy trình kỹ thuật thi công ốp lát và chọn đúng người thợ có tay nghề thi công cho mình. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu tới quý vị quy trình thi công ốp lát gạch men mới nhất hiện nay.
CÁC BƯỚC ỐP TƯỜNG, LÁT NỀN GẠCH MEN ĐÚNG KỸ THUẬT
Thông thường quá trình thi công trải qua 3 bước như sau:
Bước 1: Cán nền và trát tường
Tùy theo yêu cầu kỹ thuật của công trình mà chúng ta thi công cán nền có độ dốc thích hợp để thoát nước hoặc cán nền phẳng hoàn toàn. Độ dốc của lớp cán nền sẽ chính là độc dốc của gạch, nền được cán dốc về phía thoát nước mặt sàn sau này. Lớp cán nền thường dày khoảng 3-10cm tùy theo diện tích sàn lớn hay nhỏ và tùy thuộc độ dốc yêu cầu, vị trí khác nhau thì lớp cán nền sẽ có độ dày, mỏng khác nhau. Sử dụng vữa xi măng, cát để cán nền. Lưu ý: nếu quý vị thuê đơn vị thi công trọn gói thì cần yêu cầu đơn vị thi công trộn đủ xi măng cho lớp cán nền này, để đảm bảo độ chịu lực, nếu xi măng quá ít thì sàn nhà sau này sẽ bị bong dộp khi sử dụng.
Đối với việc ốp gạch men cho tường thì yêu cầu tường phải được trát bằng phẳng, độ dày của vữa khoảng 2-3cm để đảm bảo bức tường phẳng và đẹp, sử dụng thước nhôm ốp lên bề mặt tường để kiểm tra lớp trát có được thi công phẳng hay không.
Bước 2: Tiến hành thi công ốp, lát gạch ( dán gạch)
Sau khi cán nền hay trát tường đúng kỹ thuật. Chúng ta tiến hành ốp lát gạch theo yêu cầu của thiết kế. Với các thiết kế nội thất có nhiều chi tiết phức tạp, yêu cầu kỹ thuật viên giám sát và thợ phải nghiên cứu cẩn thận trước khi thi công để tránh xảy ra sai sót.
Ngâm nước cho gạch men để đảm bảo độ ẩm nhất định cho viên gạch, sử dụng hồ dầu ( hỗn hợp xi măng và nước ) hoặc keo chuyên dụng để tiến hành thi công, làm lớp liên kết giữa sàn nhà( hoặc tường) và gạch men.
Yêu cầu kỹ thuật:
- Gạch ốp lát xong phải phẳng và đều, gõ vào không bị ộp
- Thi công đúng kỹ thuật, hoa văn phải khớp với nhau và theo đúng thiết kế, các chi tiết cắt gạch sắc nét, không bị sứt vỡ hoặc bị nứt.
Bước 3: Chít mạch và vệ sinh bề mặt
Sau khi đã dán gạch lên bề mặt cần hoàn thiện, cần kiểm tra xem các viên gạch và chi tiết đã theo đúng thiết kế hay chưa. Đợi khoảng 3-4h cho lớp vữa kết dính hơi khô, các viên gạch đã cố định. Dùng xi măng trắng hoặc keo chà ron để miết mạch cho gạch đồng thời vệ sinh sạch sẽ các viên gạch khi lớp keo bị vương vãi còn chưa kịp khô cứng. Quá trình thi công nhẹ nhàng, khéo léo để gạch không bị xô lệch.
Một số yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ chung cần lưu ý!
+ Gạch đưa vào thi công cần phải đúng tiêu chuẩn, quy cách theo thiết kế. Bề mặt không bị rạn nứt hay sứt vỡ.
+ Gạch ốp lát cho nền và tường là gạch mới, khô ráo và sạch sẽ không bị lẫn tạp chất và được ngâm nước sạch để tăng độ ẩm.
+ Cốt nền thi công nhờ máy bắn cốt theo đúng yêu cầu bằng phẳng hoặc có độ dốc theo hướng thoát nước sàn.
+ Lớp keo chuyên dụng còn hạn sản xuất, nếu sử dụng hồ dầu cần pha đúng tỉ lệ tránh bị quá loãng hoặc đặc, khô.
+ Bề mặt gạch được vệ sinh ngay sau khi thi công, khi lớp vữa và bụi bẩn còn chưa khô và có thể vệ sinh dễ dàng, tránh gạch bị bám vữa khô hay ố màu.